---------

SỰ KHÁC BIỆT QUÁ LỚN GIỮA NGƯỜI VIỆT NAM VÀ NGƯỜI NHẬT. 
(Bài viết khá hay, các bạn cố đọc cho hết)

---------

Trước đây do công việc tôi có dịp đi Nhật nhiều lần cũng như đi nhiều nước khác trên thế giới. Nước Nhật không phải là nước mà tôi thích đến nhất (có thể vì đắt đỏ quá) nhưng đó là đất nước mà tôi nể phục nhất – không chỉ phục ở những thành tựu của sự văn minh, những công trình kiến trúc tuyệt mỹ mà còn ở yếu tố con người. Kể từ đó tôi luôn tò mò tìm hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của các con cháu Thái Dương Thần Nữ.

 Càng biết thêm về họ tôi càng phục họ hơn. Đó là một dân tộc có nhiều điểm rất đặc biệt. Một dân tộc luôn tự hào về những giá trị truyền thống nhưng khi cần cũng sẵn sàng dứt bỏ những gì đã lỗi thời. Một dân tộc mang niềm kiêu hãnh lớn lao nhưng đồng thời cũng luôn biết học hỏi cái hay của người khác. Một dân tộc đã từng đánh bại các đế quốc Mông Cổ, Trung Hoa và Nga Sô nhưng cũng biết nuốt cái nhục bại trận để vươn lên thành một cường quốc kinh tế. Một dân tộc ít khi ồn ào lớn tiếng, và luôn xem trọng sự ngăn nắp sạch sẽ. Nhưng đặc biệt hơn cả – đó là một dân tộc chưa bao giờ biết đầu hàng trước nghịch cảnh.

Tôi nhớ trước đây có đọc một bài viết của một người Việt sống lâu năm tại Nhật, quên mất tên tác giả, trong đó ông có nêu ra một chi tiết để phân biệt giữa người Nhật bản địa và người ngoại quốc sống ở Nhật – đó là nhìn qua cách phơi quần áo. Người ngoại quốc phơi lung tung, còn người Nhật phơi theo thứ tự, quần theo quần, áo theo áo… Đúng như nhà văn Haruki Murakami đã nhận định: “Người Nhật là kho tàng của nước Nhật”. Tôi rất cám ơn đất nước này vì chính người Nhật đã cho tôi một niềm tin rằng bất cứ một đất nước nào, dù nhỏ, dù bị bất lợi về địa lý, tài nguyên… nhưng nếu dân tộc đó có một nhân sinh quan đúng đắn thì vẫn có thể trở thành một dân tộc giàu mạnh.

***

Thiên tai động đất và sóng thần xảy ra ở Nhật cách đây 2 tháng, mặc dầu những tin tức liên quan đến biến cố này không còn được nhắc đến nữa, nhưng đối với những người Việt Nam còn quan tâm đến đất nước thì những dư âm của nó vẫn còn để lại nhiều vương vấn suy tư. Cùng là hai nước nhỏ ở Á Châu nhưng định mệnh nào đã đưa đẩy hai dân tộc khác biệt nhau quá xa. Một dân tộc mà mỗi khi nhắc tới, từ Đông sang Tây, đều phải ngã mũ bái phục, còn dân tộc kia thì ít khi được nhắc đến, hay nếu có thì thường là những điều không lấy gì làm vinh dự cho lắm.

Sau biến cố này đã có hàng ngàn ý kiến xuất hiện trên các diễn đàn Internet đặt câu hỏi: “Tại sao lại có sự khác biệt quá lớn giữa người Việt và người Nhật”, phần lớn những ý kiến này xuất phát từ những người trẻ đang sống ở Việt Nam. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho thấy có nhiều người Việt Nam đang thao thức muốn thay đổi số phận của đất nước mình. Đây là một đề tài rất lớn và đòi hỏi sự suy nghĩ, nghiên cứu nghiêm túc của nhiều người nhất là những nhà trí thức. Bài viết này để chia sẻ câu hỏi đó và chỉ nên xem như những lời góp ý rất khiêm tốn.

Sự chênh lệch giữa Việt Nam và Nhật Bản không phải chỉ xảy ra bây giờ, từ đầu thế kỷ 20 Nhật đã vượt ta rất xa. Trong cuốn “Niên Biểu” cụ Phan bội Châu đã kể lại kinh nghiệm của mình sau hai lần đến nước Nhật để tìm đường cứu nước (lần đầu tiên vào năm 1905). Những điều tai nghe mắt thấy tại đây khiến cụ rất phục tinh thần của dân tộc Nhật Bản. Người phu xe, thuộc giai cấp lao động bình dân, chở cụ đi tìm một sinh viên người Trung Hoa, mất nhiều thời gian công sức mà cuối cùng vẫn nhận đúng 52 xu: “Than ôi! trình độ trí thức dân nước ta xem với tên phu xe Nhật Bản chẳng dám chết thẹn lắm sao!”.

Nước Nhật nằm ở vị trí đầu sóng ngọn gió, chịu liên tục những thiên tai trong suốt chiều dài lịch sử và họ chấp nhận định mệnh đó với lòng can đảm. Thiên tai vừa rồi rất nhỏ so với trận động đất tại Tokyo vào năm 1923 và hai quả bom nguyên tử vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến. Nhờ phương tiện truyền thông quá văn minh cho nên cả thế giới vừa rồi có cơ hội nhìn thấy rõ hơn “tinh thần Nhật Bản” trong cơn nguy biến. Trận động đất xảy ra tại Tokyo ngày 1/9/1923 đã làm cho 130,000 người thiệt mạng, Yokohama bị tàn phá hoàn toàn, phân nửa của Tokyo bị tiêu hủy. Trong quyển “Thảm nạn Nhật Bản” (Le désastre Japonais) của đại sứ Pháp tại Nhật thời đó thuật lại: ”Từng cá nhân kẻ góp chút gạo, kẻ đem chiếc xuồng để giúp đỡ nhau như một đại gia đình”chứng tỏ là họ có một truyền thống tương thân tương ái lâu đời.

Vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến hai quả bom nguyên tử bỏ xuống Hiroshima và Nagasaki, ngay lập tức làm thiệt mạng khoảng 150,000 người. Những thành phố kỹ nghệ của Nhật cũng bị tàn phá nặng nề vì những trận mưa bom của phi cơ Đồng Minh. Lần đầu tiên trong lịch sử người Nhật phải chấp nhận đầu hàng và là nỗi nhục quá lớn đối với họ như lời của Nhật Hoàng Hirorito: “Chúng ta phải chịu đựng những điều không thể chịu đựng nỗi”. Không có hình ảnh nào thê thảm như nước Nhật lúc đó, kinh tế gần như bị kiệt quệ hoàn toàn. Tuy nhiên Đồng Minh có thể tiêu diệt nước Nhật nhưng không thể tiêu diệt được tinh thần của người Nhật, họ đã biến cái nhục thua trận thành sức mạnh để vươn lên từ đống tro tàn.

Đến năm 1970, chỉ có 25 năm, một nước bại trận hoang tàn đổ nát trở thành một cường quốc kinh tế đứng thứ nhì trên thế giới, chỉ thua có Hoa Kỳ. Danh từ “Phép lạ kinh tế” phát xuất từ hiện tượng này. Trong 7 năm từ 1945 cho đến 1952, tướng MacArthur, thay mặt Hoa Kỳ quản trị nước Nhật với tư cách là Chỉ Huy Tối Cao của Lực Lượng Đồng Minh (Supreme Commander of the Allied Powers) – vì nể phục và quý mến người Nhật cho nên vị tướng này muốn biến nước Nhật trở thành một “Nước Mỹ lý tưởng” hay nước Thụy Sĩ ở Á Châu. Tuy cuối cùng kết quả không được trọn vẹn như ý muốn của ông vì người Nhật không thể để mất hồn tính dân tộc. Nhưng nước Nhật được như ngày nay có công đóng góp rất lớn của tướng MacArthur.

Trở lại chuyện thiên tai vừa rồi, ngay sau đó có cả ngàn bài viết ca ngợi tinh thần của người Nhật. Nhiều tờ báo lớn của Tây Phương đi tít trang mặt: “Người Nhật: Một Dân Tộc Vĩ Đại”. Nhật báo lớn nhất của Mỹ, New York Times, số ra ngày 20 tháng 3 đăng bài “Những điều người Nhật có thể dạy chúng ta” của ký giả Nicholas Kriftoff. Đúng như lời của nhà báo Ngô Nhân Dụng đã viết: “Một dân tộc, và mỗi con người, khi bị thử thách trong cơn hoạn nạn, là lúc chứng tỏ mình lớn hay nhỏ, có đáng kính trọng hay không”.

Dùng từ vĩ đại đối với nước Nhật không cường điệu chút nào, họ vĩ đại thật. Giữa cảnh chết chóc, nhà cửa tan nát, đói lạnh, tuyệt vọng… vậy mà họ vẫn không để mất nhân cách, mọi người nối đuôi nhau chờ đợi hàng giờ để lãnh thức ăn, tuyệt đối không oán trách trời, không trách chính quyền, không lớn tiếng, không ồn ào, kiên nhẫn chờ đợi đến phiên mình. Một đất nước mà trong cơn khốn khó, không đổ lỗi cho nhau, từ quan đến dân, trăm người như một, trên dưới một lòng lo tìm cách đối phó, thì đất nước đó xứng đáng là một đất nước vĩ đại.

Toàn bộ nội các Nhật làm việc gần như 24/24. Các hiệu trưởng ngủ lại trường cho đến khi học sinh cuối cùng được di chuyển đi. Các siêu thị hoàn toàn không lợi dụng tình cảnh này để tăng giá. Tiền rơi ngoài đường từ những căn nhà đổ nát không ai màng tới thì đừng nói chi đến chuyện hôi của. Ông Gregory Pflugfelder, giáo sư chuyên nghiên cứu văn hóa Nhật Bản tại Đại Học Columbia (Mỹ) đã nhận xét về người Nhật sau thiên tai này như sau: “Hôi của đơn giản là không xảy ra ở Nhật Bản. Tôi thậm chí còn không chắc rằng trong ngôn ngữ Nhật Bản có từ ngữ này.”

Người Nhật là một dân tộc có tinh thần độc lập, tự trọng và lòng yêu nước rất cao, không chờ đợi ai mở lòng thương hại, sau những hoang tàn đổ nát, mọi người cùng nhau bắt tay xây dựng lại. Mặc dầu chính phủ Hoa Kỳ đề nghị đến giúp dập tắt lò nguyên tử Fukushima nhưng họ từ chối. Xa lộ tại thành phố Naka, thuộc tỉnh Ibaraki bị hư hại nặng do động đất. Chỉ một tuần sau, ngày 17/3 các công nhân cầu đường Nhật bắt đầu sửa chữa, chỉ 6 ngày sau xa lộ này đã hoàn tất, ngay cả Hoa Kỳ có lẽ cũng không thể đạt được kỷ lục này.

Từ Nhật Hoàng Akihito, Thủ Tướng Naoto, cho đến các thường dân đều tự tin rằng: “Chúng tôi sẽ phục hồi” như họ đã từng làm trong quá khứ. Cho đến hôm nay (18/5) theo những tin mà chúng ta đọc được trên Internet thì những nơi bị tàn phá đang được phục hồi nhanh chóng. Có thể chỉ 2, 3 năm sau nếu có dịp đến đây chúng ta sẽ thấy cảnh vật hoàn toàn thay đổi.

Điều đáng chú ý nhất trong thiên tai này đối với người viết – chính là thái độ của trẻ em. Đến xứ nào, chỉ cần nhìn qua tuổi trẻ là có thể đoán được tương lai của xứ đó, bởi vì tuổi trẻ là hy vọng, là tương lai của đất nước. Không phải chỉ có em học sinh 9 tuổi mất cha mất mẹ, đang đói khát nhưng vẫn từ chối sự ưu tiên hơn người khác được cả thế giới biết đến, mà còn có cả ngàn em học sinh Nhật khác trong hoàn cảnh tương tự vẫn luôn luôn giữ tinh thần kỹ luật và lễ phép. Những em nhỏ, có em còn được bồng trên tay, có em ngồi bên cạnh mẹ trong các nơi tạm cư, mặc dầu đói khát từ mấy ngày qua nhưng nét mặt của các em vẫn bình thản chờ đợi thức ăn mang đến. Những em bé này được dạy dỗ từ nhỏ tinh thần kỷ luật, tự trọng, danh dự và khắc kỷ… không phải chỉ học ở trường hay qua sách vở mà còn qua những tấm gương của người lớn trong những hoàn cảnh thực tế và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Mai đây nếu có một cuốn sách giới thiệu những nét đẹp nhất, cao thượng nhất của con người sống trên hành tinh này thì cuốn sách đó không thể thiếu được những hình ảnh của người Nhật trong thiên tai vừa qua.

Trông người lại nghĩ đến ta!

Trong bài “Góc ảnh chiếu từ nước Nhật”, nhạc sĩ Tuấn Khanh (ở VN) đã viết một câu thật thấm thía: “Đôi khi giữa những hoang tàn đó của nước Nhật, người ta bừng sáng hy vọng và đôi khi sống giữa những điều được gọi tên là bình yên của đất nước mình, một người Việt Nam vẫn có thể cảm nhận được những ảnh chiếu sắc cạnh của sự hoang tàn”.

Một số người đặt câu hỏi: Nếu tai họa như nước Nhật xảy ra tại VN thì chuyện gì sẽ xảy ra? Bà Mạc Việt Hồng đã diễn tả bức tranh đó như thế này:
- Động đất có khi chết 200 nhưng giẫm đạp lên nhau mà chạy, chết thêm nghìn nữa.
- Các ban ngành sẽ họp bàn cách cứu hộ từ ngày này qua ngày kia.
- Cướp giật hôi của sẽ phổ biến, hoa người ta còn cướp giật nói chi tới đồ ăn hay tiền bạc vào lúc hỗn quan hỗn quân như vậy. Người đi hôi của sẽ nhiều hơn người đi cứu trợ.
- Nếu có phát khẩu phần ăn sẽ chẳng có hàng lối gì, bà già trẻ nhỏ sẽ bị chen cho bẹp ruột, ai thắc mắc hay nhìn đểu mấy kẻ chen lấn, thì “bố cho mày mấy chưởng”.
- Sẽ xuất hiện đủ loại cò: Cò mua, cò bán, cò di tản, cò cứu trợ, cò bệnh viện… tha hồ chặt chém đồng bào.
- Tiền và hàng cứu trợ sẽ vào tay dân thì ít, cửa quan thì nhiều.
- Ai muốn người nhà mình đang kẹt trong đống đổ nát được đào bới, tìm kiếm trước thì hãy chi đẹp cho đội cứu hộ.
- Khu nào có quan chức ở thì được ưu tiên cứu hộ trước, khu nào dân đen sinh sống thì cứu sau.
- Cửa hàng sẽ thi nhau tăng giá, bắt chẹt những người khốn khổ.
- Tổ chức nào, tôn giáo nào muốn cứu trợ thì phải được sự đồng ý của Mặt trận Tổ quốc và các cấp chính quyền kẻo các “thế lực thù địch” lợi dụng.
…v.v….
Tôi không nghĩ là bà Mạc Việt Hồng nói quá đáng. Chúng ta cũng không cần phải có kinh nghiệm thực tế, chỉ cần đọc qua báo trong nước sau mỗi lần có thiên tai cũng đủ biết là những ghi nhận trên của tác giả không sai chút nào. Nói chung nạn nhân nếu muốn sống sót phải làm theo bản năng “mạnh được yếu thua” hay “khôn nhờ dại chịu”, còn quan chức chính quyền thì coi đó như thời cơ để kiếm tiền.

Có thể có những quý vị nghĩ rằng: không nên quá đề cao người khác và rẻ rúng thân phận của mình – vì phải giữ lại niềm tự hào dân tộc. Riêng tôi thì không đồng ý với những quan điểm như thế.

Có hãnh diện gì khi nói ra những điều không hay về chính dân tộc mình, người viết cũng là người Việt, cũng có tất cả những thói hư tật xấu của người VN. Nhưng thiết nghĩ, muốn thoát khỏi sự thua kém, trước hết phải dám can đảm biết nhìn lại chính mình, phải biết mình tốt chỗ nào, xấu chỗ nào, đang đứng tại đâu và cần phải làm những gì. Cũng giống như một người sinh ra trong một gia đình nghèo khó bất hạnh, phải biết chấp nhận số phận đó, nhưng chấp nhận để tìm cách vươn lên chớ không phải chấp nhận để đầu hàng hoàn cảnh.

Học sinh Nhật Bản ở các vùng bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất sóng thần năm 2011, thay mặt nước Nhật gửi lời cảm ơn đến bạn bè toàn thế giới đã hết lòng ủng hộ và giúp đỡ Nhật Bản vượt qua khó khăn sau thảm họa.


Gần một trăm năm nước đây, Lỗ Tấn từ bỏ nghề y chuyển sang viết văn để mong đánh thức được dân tộc Trung Hoa ra khỏi căn bệnh bạc nhược bằng những toa thuốc cực đắng như “AQ chính truyện”, gần đây nhà văn Bá Dương tiếp nối tinh thần đó với “Người Trung Quốc xấu xí” cũng được nhiều đồng bào của ông cho đó là một đóng góp đáng kể. Cuộc cách mạnh Duy Tân của Minh Trị Thiên Hoàng vào giữa thế kỷ 19 chắc chắn sẽ không thành công được như vậy nếu những nhà tư tưởng của Nhật lúc đó không vạch ra cho đồng bào của họ thấy được những những cái yếu kém trong văn hóa truyền thống cần phải bỏ đi để học hỏi những cái hay của Tây Phương, nhà văn Miyake Setsurei, dành riêng một cuốn sách công phu “Người Nhật xấu xa” xuất bản năm 1891 để đánh thức người Nhật ra khỏi căn bệnh lạc hậu.

Chúng ta chỉ có thể yêu nước nếu chúng ta có niềm tự hào dân tộc. Nhưng tự hào vào những điều không có căn cứ hay không có thật sẽ có tác dụng ngược như những liều thuốc an thần.

Những tự hào giả tạo này có khi vì thiếu hiểu biết, có khi vì mưu đồ chính trị của kẻ cầm quyền như trong hơn nửa thế kỷ qua, và tác hại của nó thì ngày nay chúng ta đã thấy rõ.

Trong khi đó, người Việt có những mâu thuẫn kỳ lạ. Chúng ta mang tự ái dân tộc rất cao nhưng đồng thời chúng ta cũng mang một tinh thần vọng ngoại mù quáng. Chúng ta thù ghét sự hiện diện của ngoại bang trên đất nước chúng ta bất kể sự hiện diện đó có chính đáng đến đâu, nhưng đồng thời giữa chúng ta cũng không tin lẫn nhau, xưa nay mọi giải pháp quan trọng của đất nước chúng ta đều trông chờ vào lý thuyết và giải pháp của người ngoại quốc, chớ không tự quyết định số phận của mình.

Có thể nói trong lịch sử hiện đại của VN, hoàn toàn trái ngược với các nhà cách mạng cùng thời, Phan Chu Trinh chọn giải pháp Khai Dân trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân sinh. Theo ông, muốn thoát khỏi ách đô hộ của ngoại bang và sự nghèo khổ lạc hậu, trước hết phải nâng cao dân trí, mở mang trí tuệ. Dân trí cao người dân sẽ ý thức được quyền làm người, quyền dân tộc, rồi từ đó sẽ tranh đấu bằng giải pháp chính trị để giành độc lập. Dân trí thấp kém cho dù có dành được độc lập thì vẫn tiếp tục là một dân tộc nô lệ ở một hình thức khác. Ông là một trong những người Việt hiếm hoi nhìn ra nguyên nhân mất nước, nguy cơ dân tộc, không phải ở đâu khác mà là trong văn hóa, từ văn hóa mà ra.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến có gần 30 nước dành được độc lập, phần lớn không đổ một giọt máu, chỉ có vài nước như VN, phải trả bằng máu và nước mắt của hàng triệu sinh mạng để cuối cùng trở thành một trong những nước nghèo khổ và lạc hậu nhất thế giới. Chọn lựa này là chọn lựa của dân tộc, của VN chớ không phải do sức ép của ngoại bang hay một lý do gì khác. Lòng yêu nước mù quáng biến dân tộc VN trở thành một lực lượng tiên phong trong cuộc tranh chấp giữa hai khối CS và Tự Do và luôn luôn hãnh diện với thế giới về một dân tộc “bước ra khỏi cửa là thấy anh hùng”. Những bi kịch của đất nước hôm nay là cái giá phải trả cho sự chọn lựa đó.

Thật cay đắng cho những người hết lòng vì nước vì dân như Phan Chu Trinh, mặc dầu nhìn xa thấy rộng, tư tưởng nhân bản, kiến thức uyên bác, lòng yêu nước và nhiệt tình có thừa, nhưng cuối cùng Phong Trào Duy Tân của cụ đã thất bại chỉ vì không được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng, ngay cả cụ Phan Bội Châu – một đồng chí thân thiết với cụ trong nhiều năm cũng không ủng hộ quan điểm của cụ.

Là một người yêu nước chân thật ông không tự lừa dối mình và lừa dối dân tộc của mình bằng những chiêu bài mị dân, những điều tự hào không có thật. Ông là người nhìn thấy được vấn đề, và cố gắng đi tìm một phương thuốc cứu chữa.

Nhưng tại những nơi mà lưỡi gươm có tác dụng mạnh hơn ngòi bút thì những tiếng nói nhân bản như ông trở thành những tiếng kêu giữa sa mạc hoang vắng và ông trở nên lạc lõng trong một xã hội mà nếp suy nghĩ hủ lậu đã bám rễ quá lâu và quá chặt, trở thành một căn bệnh trầm kha hủy hoại đất nước và làm cho dân tộc sa vào vòng nô lệ.

Nhìn qua đất nước Nhật Bản, một dân tộc có chiều dài lịch sử gần giống như chúng ta, có diện tích gần bằng, dân số không chênh lệnh mấy (127 triệu so với 87 triệu), cũng chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và Khổng Giáo, không khỏi làm cho chúng ta đau lòng khi thấy được sự khác biệt quá lớn giữa hai đất nước. Sự khác biệt về kinh tế, sự giàu có tiện nghi không phải là điều quan trọng, chủ yếu là sự khác biệt về cách suy nghĩ (mentality) giữa hai dân tộc…


Post a Comment

  1. Mình không hoàn toàn đồng ý với tác giả. Dường như tác giả đang quảng cáo dân nhật, từ đó nói xấu dân mình 1 cách hơi quá thể. Thử hỏi tác giả đã biết bao nhiêu người trong 87 triệu người dân việt nam mà phán vậy. Nếu chỉ nhăm nhăm nhìn vào những thành phần cá biệt mà không cố nhìn rộng ra thì chỉ là ếch ngồi đáy giếng. Mình biết rất nhiều người sống rất thật rất tốt, đừng đánh đồng tất cả. Mà thật sự dân nhật họ có kỷ luật tốt nhưng bây giờ thử đặt họ vào tình cảnh tồi tệ như ở haiti : dịch bệnh tràn lan, lương thực không đủ, nước uống nhiễm bẩn. Họ có 1 chính quyền, nhà nước giàu có giúp đỡ, vẫn còn siêu thị để mua đồ vẫn còn trường học để ở. Nếu họ rơi vào tình cảnh cực tồi tệ trên thì chẳng biết họ sẽ làm gì đâu. Ở việt nam thì nếu muốn cải thiện thêm sự suy đồi theo kiểu tác giả đừng có ngồi bới móc lịch sử đặc biệt tác giả là người việt, con đường dân ta đã chọn đừng phán xét, cái giá phải trả chỉ là do bọn ngoại quốc đã gây ra chứ dân ta đâu có tội tình gì khi muốn độc lập tự do. Đôi lời nói với tác giả.

    ReplyDelete
    Replies
    1. - Tác giả không có ý quảng cáo cho ai hết, mà là muốn cho mọi người thấy cái tốt để mà học hỏi thôi :D
      - Hoàn cảnh mà bạn vừa nêu đã xảy ra với Nhật rồi đó chứ, đệ nhị thế chiến đó :D
      - Chắc có lẽ đoạn cuối tác giả hơi quá khi đề cập đến lịch sử VN, nhưng mình tin là đó cũng không có ý gì là xấu. Mà có lẽ ta nên đọc và suy ngẫm thôi, đừng cmt gì cả ^_^

      Delete
  2. - Dụng ý là tốt nhưng cách nói diễn đạt của tác giả có vấn đề. Gần như luôn xuôi theo hướng dân nhật "vĩ đại", dân việt hèn kém. Đã là so sánh luôn phải theo 2 chiều. Cách viết quá cảm tính và thiếu độ trung lập. Đừng quên những kẻ gây bao tội ác từ cưỡng hiếp ở triều tiên, thảm sát nam kinh , nạn đói ất dậu... Cũng từ những con người này mà ra cả. Họ cũng chỉ là người luôn có góc khuất bên trong. Đừng quá vĩ đại hó, thần thánh hóa họ. Nghe ngang tai lắm.
    - Dân nhật sau đệ nhị thế chiến không sụp đổ hoàn toàn. Mỹ và đồng minh trong 7 năm đóng quân họ chỉ thay đổi bộ máy chính quyền và hủy diệt nền công nghiệp quốc phòng. Họ vẫn luôn tạo ra cơ hội cho nước nhật phát triển. Và lịch sử đã chứng minh qua chiến tranh triều tiên và việt nam, mỹ đã giúp nhật tạo ra điều thần kỳ về kinh tế. Nếu so sánh việt nam và nhật bản mình xét trung lập thì mình cảm phục người việt mình hơn nhiều người nhật vì đất nước mình chịu tổn thất nhiều hơn nhật rất nhiều. Dân nhật chỉ khổ sở trong vài năm đầu rồi cuộc sống dần khấm khá nhờ có việc làm từ các đơn đặt hàng của mỹ. Còn việt nam thì sao? Không có gì hết.
    - Vấn đề giáo dục đạo đức không phải chuyện 1 sớm 1 chiều cần có thời gian, cái này lại liên quan đến cách lãnh đạo của chính quyền. Mình không bàn đến. Nhưng có 1 điều mình khẳng định là dân ta không xấu bụng, cái tốt chỉ bị che bớt phần vì cái đói cái khổ thôi. Vì vậy mình mong tác giả đừng ra vẻ xem thường tưởng mình đứng trên tất cả mà phán xét.
    Đôi dòng suy nghĩ muốn chia sẻ

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đọc comment của cậu chứng tỏ cậu rất tâm huyết với vấn đề này. Tớ thì chỉ mấy điều muốn nói thôi:
      - Về phần comment của cậu: tớ nghĩ nhận xét của cậu là không sai, dân VN ta cần cù, chịu khó, và hoàn cảnh mưa đạn bom rơi thì không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, cách suy nghĩ và ứng xử trong văn hóa Nhật Bản thì tớ đồng ý là họ hơn rất nhiều chúng ta về khoản này, dĩ nhiên có người này người kia nhưng đây là tớ nhìn theo 1 cách khách quan. Người Việt cũng vậy, có người này người kia (vì thế tớ thấy câu khẳng định dân ta hoàn toàn không xấu bụng theo tớ không mang tính khách quan), nhưng về mặt bằng chung thì có thể ứng xử chưa khéo bằng người Nhật. Và như cậu nói: Vấn đề này cần có thời gian để chỉnh sửa, hy vọng rằng cách lãnh đạo và công tác văn hóa của nước nhà sẽ tốt hơn (Công dân thì phải hy vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước chứ ^^ ).
      - Về phần bài viết của tác giả: khi tác giả viết về dân Nhật, ừ thì tác giả đã sống ở Nhật và có phần tình cảm gắn bó nên thiên vị là khó tránh khỏi, và cách tác giả viết bài, theo tớ, cũng hơi có phần vơ đũa cả nắm. Nhưng không phải tác giả nói sai, ít nhất là về 1 số vấn đề như cách ứng xử của dân Nhật, về vấn đề lịch sử thì tớ không đủ hiểu biết nhiều để phán xét. Nói chung, ý kiến vẫn là ý kiến, bài của tác giả chẳng qua chỉ để bộc lộ tâm sự của mình thôi, không cần thiết phải quá nghiêm khắc về ý kiến mỗi người.
      P/S: Ý kiến của cậu tớ rất tôn trọng, hy vọng cậu không xem comment của tớ là gạch đá gì.

      Delete
  3. oh thế à... mấy chú xem xét sau khi người ta bị ăn 2 trái bom nguyên tử đi rồi so sánh với mình... nếu mình bị ăn như thế có còn vật nỗi không... người ta có chính sách Cưỡng bức giáo dục.. tạo điều kiện cho con em đi học.. còn mình thì sao
    còn nhiều cái để so sánh lắm.. chú này tự ái dân tộc cao quá đó...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Sao bạn biết bị ném bom ta sẽ làm gì? Nhật sau đó đầu hàng Mỹ để khôi phục lại nên kinh tế của mình đấy thôi! Cưỡng bức giáo dục? Liệu bạn có chịu nổi sức ép kỉ luật bên Nhật không? Kinh tế mình bằng kinh tế Nhật lúc đó sao? Có lúc bên mình còn chẳng có cái để ăn, đừng nói đến cả học.

      Delete
  4. -Các bạn đừng đánh giá vẻ bề ngoài của một nước, một con người, một vùng đất mà chỉ qua sách báo và giấy tờ. Cách thật nhất là chính mình trải nghiệm nó.

    -Ngay cả các đô thị lớn cũng sẽ có vùng tối mà. Phải! Nhật Bản là đất nước hứng chịu nhiều tổn thất nặng nề do chiến tranh thế giới thứ 2. Nhưng các chính sách của Nhật đều mang lại hiệu quả nhất định. Như Mỹ viện trợ cho Nhật sau khi WOW2 diễn ra. Như chính sách cải thiện nguồn gen.

    ...

    Vậy thì tại sao, lại hạ thấp nước mình đi chứ. Chẳng hiểu ra sao. Mình phải tự hào mình từ đâu đến và do ai sinh ra.

    Nói chung là không like vì cách viết như thế.

    Problem?

    ReplyDelete
  5. Mỹ giúp Nhật tạo ra điều thần kỳ về kinh tế à :-& bạn xem thông tin đó ở đâu vậy gửi mềnh xem với =)) cái điệu này chắc lớp 12 ngu LS thế giới lắm này :)) nghe nè: Mỹ chỉ đảm bảo an ninh quốc phòng cho nước Nhật nghĩa là Nhật ko đc phát triển quân sự nhưng bù lại ai đánh Nhật là đánh Mỹ ok? Nhật tạo nên bước ngoặc lớn như vậy là vì tự con ng` ta có ý thức, QUAN CHỨC ko có THAM NHŨNG, ng` dân đc học về đạo đức, kỷ luật và danh dự đầu tiên chứ ko phải là lòng cam thù giặc sâu sắc..vân vân kể không hết. mà nói đúc kết lại thì mềnh khuyên bạn 1 điều,bạn tự ái dân tộc hơi quá r` đó, bớt lại đi nha.:)VN chịu tổn thất nhiều hơn Nhật +_+ có mắt ko vậy trời !

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vậy bạn có thể xem lịch sử của các công ty ôtô nhật như toyota chẳng hạn. Họ đã gần như phá sản nếu không có các hợp đồng sản xuất xe cho quân đội Mỹ trong chiến tranh triều tiên. Họ chỉ là 1 công ty nhưng đại diện cho cả đất nước như là 1 công xưởng cho quân đội liên hợp quốc đứng đầu là mỹ. Nếu bạn biết chút ít về kinh tế thì những đồng vốn đầu tư sẽ mang lại hiệu quả gấp nhiều lần số tiền viện trợ. Nếu chiến tranh triều tiên chỉ xảy ra trong vài năm còn ở việt nam là 2 thập kỷ thật sự là thời cơ vàng cho nhật. Bạn có thể google để tìm ra những điều mình đã viết. Lịch sử không bó hẹp trong các trang sách giáo khoa, bạn nên tham khảo kỹ trước khi comment ra những điều có vẻ hơi xúc phạm mình quá. Sự thật luôn đúng, nhật có những thuận lợi mà ta không có

      Delete
    2. phải rồi, có những thuận lợi mà ta ko có chứ ko phải là có những cái sai mà bạn không thấy hả? toyota hợp tác kinh tế với Mỹ đấy bạn. Mỹ đâu có cho không tiền nó đâu bạn? nói là giúp nghe thiếu hiểu biết lắm! cái đó là HỢP TÁC nghĩa là đôi bên cùng hưởng lợi về 1 chiến lược. Việt Nam mình cũng hợp tác làm ăn đấy Vinaline chắc bạn cũng biết mà khác cái là bây h nợ vài ngàn tỉ để đó cho dân trả :"> bên nào cũng có cơ hội mà bên thì biết nắm lấy, bên còn lại thì vứt đi hay tệ hơn là biến cơ hội thành gánh nặng :)

      Delete
    3. Thứ nhất sau chiến tranh nhật đã kiệt quệ. Và mỹ không hề có ý giúp nhật bằng chứng là không hề có tên nhật trong gói viện trợ của kế hoạch marshall. Nhưng đến năm 1950 khi anh bắc triều xâm lấn nam triều, cuộc chiến nổ ra mỹ cùng đồng minh nhảy vào can dự. Nhật bỗng chốc thành 1 hậu phương tuyệt vời cho mỹ. Dòng vốn đầu tư ào ạt đổ vào nhật. Bạn đừng tưởng tượng rằng viện trợ không hoàn lại là tốt nhé. Những đồng tiền cho không ấy rất dễ làm thối nát các chính quyền sở tại mà các nước châu phi là ví dụ điển hình nhất. Không phải cho không là tốt đâu mà chính tiền đầu tư mới là liều thuốc hữu hiệu nhất cho nền kinh tế. Nhật đã sử dụng nguòn vốn đó sản xuất hàng hoá cho mỹ gia tăng số người có việc làm. Người dân có tiền và các công ty khác lại được xây dựng nên để đáp ứng thị trường. Từ đó họ dần hồi phục. Và đây là quá khứ từ thập kỉ 50 vậy lúc đấy nước ta có được ai đầu tư gì không? Chắc chắn là không, nước ta chỉ mới được đầu tư từ khi bỏ cấm vận năm 95, thời gian là chưa đủ mà thực sự nguồn vốn ko dồi dào như nhật đã từng nhận. Thứ hai cái vụ kia là của vinashin và nó nợ tới 80 nghìn tỷ tức tầm 4 tỷ đô. Và còn vô khối các tập đoàn khác đang vô cùng mờ ám trong tài chính. Nếu đất nước không phát triển thì lỗi này là của cách điều hành của chính quyền không phải lỗi của người dân. Mình ko muốn nói nhiều về việc này. Trên hết mình không phỉ báng nói xấu hay ca ngợi bất kỳ dân tộc nào. Mình chỉ chỉ trích cách viết quá vô trách nhiệm về 1 vấn đề nhạy cảm như vấn đề dân tộc mà thôi

      Delete
  6. :fp: sr :|

    xin lỗi bạn, về mảng quân sự

    ReplyDelete
  7. =)) bị ăn gạch =))

    ReplyDelete
  8. Oh vậy sao. Thiệt hại nhân mạng từ 2 quả bom đó 90.000–166.000 chết ở Hiroshima
    60.000–80.000 chết ở Nagasaki. Mình không muốn so sánh nhiều vì mạng người là quý giá. Nhưng đủ biết 2 quả bom ấy chẳng là gì so với số bom ném khắp việt nam nếu xét về thiệt hại nhân mạng. Như đã nói ở trên Nhật được Mỹ đầu tư 1 lượng vốn khổng lồ để đáp ứng cho bộ máy chiến tranh khắp châu á thái bình dương, cùng 1 lực lượng lao động rẻ ( rẻ hơn các nước tây âu) mà chất lượng cao (nhờ nền giáo dục trước đó, đương nhiên thời đó dân nhật gần 100 triệu cũng không thể chết hết vì chiến tranh) họ đã gượng dậy. Họ đáng phục nhưng đừng mang điều đó so với việt nam. Việt nam mình gặp bất lợi hơn rất nhiều. Thời kì hoà bình ổn định thực sự chỉ từ thập niên 90. Người bạn lớn Liên xô cũng viện trợ cho ta nhưng chủ yếu chỉ đủ để duy trì đất nước chứ không giàu có như anh Mỹ. Thời bao cấp quá đủ để nói lên điều đó. Vì vậy tác giả so sánh rồi hỏi tại sao việt nam không giống nhật, đó là điều không thể. Đương nhiên khi họ đã giàu có an sinh xã hội là chuyện tất nhiên phải có. Không thể đòi hỏi quá nhiều khi chúng ta chưa tạo ra nhiều của cải như họ. Còn bạn trên có vẻ như thấy lòng tự tôn dân tộc là 1 cái gì đó ngớ ngẩn hay thừa thãi thì tốt nhất nên đổi quốc tịch sang nước khác. 1 công dân phải biết quý trọng dân tộc mình, đó là điều cơ bản mà ai cũng biết

    ReplyDelete
    Replies
    1. cuối cùng cũng phải mở miệng nói dân Nhật đáng phục ! bạn có thấy là bạn tào lao không bạn? VN mình gặp bất lợi chỗ nào kể mình nghe đi? nhớ ko lầm đã 37 năm r` mà vẫn có ng` đổ thừa việc kinh tế, trình độ, an sinh xã hội là do hậu quả của chiến tranh từ năm 1900 hồi đó hử? lẽ ra thống nhất đất nc' đoàn kết dân tộc thì phải phát triển nhanh và tốt hơn chứ bạn? 37 năm, gần nửa đời người đâu có ít. khi nào VN ko còn mấy ng` bảo thủ ko chịu nhận mình yếu để phấn đấu cho bằng người ta giống như bạn thì mình mới cảm thấy tự hào bạn à. :))

      Delete
    2. Bạn có vẻ vẫn chưa chịu hiểu vấn đề nhỉ ? Đất nước ta qua 2 cuộc chiến thống nhất năm 75 nhưng thực chất chưa hoà bình hẳn. Chiến tranh tây nam và biên giới phía bắc những năm thập kỷ 80 và suốt đến khi ta bình thường hóa quan hệ với trung quốc, ta vẫn phải giữ 1 lực lượng quân đội khổng lồ gần 1 triệu lính ở biên giới với trung quốc bởi bên kia họ luôn duy trì 1 lực lượng cực lớn đe doạ chúng ta. Đương nhiên phí tổn để duy trì lực lượng như vậy nếu để quá lâu nền kinh tế sẽ không trụ được. Ngoài ra còn bị cấm vận đến năm 95 mới dỡ bỏ. Vì vậy mình nói nước ta ổn định thực sự bắt đầu từ thập kỷ 90 năm 1990 chứ không phải là 1900 nhé. Việc tự gây dựng kinh tế không thể làm nhanh được như trung quốc tự xây dựng kinh tế từ năm mở cửa 1978 với tốc độ cực nhanh thế mà tới tận bây giờ vẫn chưa thể thoát kiếp các nước kém phát triển. Nếu nước nhật không có vốn đầu tư cực lớn từ mỹ thì cũng phải thêm 1 thời gian dài nữa mới có thể được như hôm nay. Nếu bạn chỉ biết oán trách thế hệ cha anh thì mình thấy không ổn chút nào. Mà ở đây mình cũng chẳng bảo dân nhật xấu dân việt tốt mình chỉ phản đối cách nhìn quá phiến diện của tác giả bài viết thôi. Đối với mình mọi việc phải xem xét trên nhiều mặt với độ trung lập hết mức có thể. Vậy thôi

      Delete
    3. Nói chung, mình đồng ý rằng người VN ko phải ai cũng xấu, nhưng văn hóa của người VN ta có vấn đề.
      Đó là điều cần phải nhìn thẳng vào để mà sửa , có thể có rất nhiều VN có văn hóa tốt, nhưng trong số dân số VN của ta thì chiếm bao nhiêu % ?
      Bên cạnh đó, nói về thiệt hại nhân mạng, mình không muốn so sánh nhưng tại mấy bạn thích dùng cái thiệt hại của Nhật và Việt mà đối chứng quá nên mình chỉ muốn fix lại đôi chút.
      Thứ I: Như bạn nói 2 quả boom làm chết khoản 250.000 người
      Thứ II: Mỹ chỉ ném boom ở miền bắc Việt Nam chứ không ở toàn VN, chiến dịch này ở VN gọi là "Chiến dịch chiến tranh phá hoại", chiến dịch là chia làm 2 lần và ở Mỹ gọi là chiến dịch Linebacker. Về thiệt hại, trong chiến dịch Linebacker lần 1 thiệt hại của VNDCCH là lớn về mặt dân thường và số liệu vẫn chưa rõ, còn trong lần 2 thiệt hại 1600 nhân mạng. Do đó theo mình thì tổng lại cũng không đủ nhiều để so với con số 250.000 người đâu.
      Thứ III: bao cấp ko phải do Liên Xô viện trợ ít hay nhiều, mà do chính sách và đường lối sai lầm của các quốc gia Cộng Sản, mãi về sau các quốc gia CS mới mạnh dạng đi theo con đường KTTT

      Theo mình, cái gọi là dân tộc không đống góp nhiều vào việc 1 quốc gia có giàu hay không. Nếu nói trắng ra dân tộc ta ngày trước từng có thời là quyền lực che phủ toàn cỏi Đông Dương, khiến Xiêm cũng phải khiếp sợ, đánh chìm tàu Hà Lan, quét tan quân Thanh,... 1 dân tộc như thế có được gọi là Kiên cường không ? 1 dân tộc như thế có được gọi là 1 dân tộc có tính kỷ luật không (rõ ràng là quân sự của ta phát triễn) ?
      Thế đâu là việc khiến ta nghèo hơn Nhật ? Chẳng phải quá rõ ư, đó chính là GD, là cái thái độ bài ngoại hoặc sùng ngoại đến cực đoan. Đó chính là chính sách trong thời bao cấp, may mắn là về sau nước ta đã theo KTTT không thì ko biết ta đang ở đâu (chắc cởi Triều Tiên). Đó chính là sự quan liêu, sự bao cấp. Đó chính là các tầng lớp con ông cháu cha (Đừng phủ nhận sự tồn tại của tầng lớp này, chúng ta đều hiểu họ tồn tại tới tận bây giờ, và sự tồn tại của họ khẳng định cho sự quan liêu và bao cấp).
      Chính những điều trên đã ăn sâu vào máu của người VN dẫn tới dân ta nghèo, và đi đôi với cái nghèo chính là sự ít học là sự thiếu VH ta kém tự hào là 4000 văn hiến nhưng lại có những bài báo viết về "Văn Hóa chữi của người Hà Nội" có thật đáng buồn không ? Do đó, thay vì nhìn nhận vấn đề bằng cách phản bác hoàn toàn hãy biết chọn cái đúng cái sai mà học tập.

      Ngoài ra, nói về lợi thế của Nhật, thì mình xin nói rằng, Nhật có rất nhiều cái lợi, nhưng cái chính vẫn đến từ chính sách nhà nước, và từ khả năng cạnh tranh cao của các công ty trong nước, và từ yếu tố bên ngoài (Viện trợ, tận dụng chiến tranh TT, VN để sản xuất Vũ khí).


      Mình xin chốt lại một câu nói của cô dạy LS của mình "Người Ý có thể giỏi kinh tế, người Nga có thể giỏi tình báo, thì người Nhật giỏi việc lấy các thành tựu của người khác" Và đây cũng là lý do họ giàu, họ giàu chính là nhờ Giáo Dục. Vậy là vấn đề của VN ta theo mình chính là nền GD quá lạc hậu không thay đổi nhiều sau gần 20 năm nay.

      Delete
    4. mình không cần biết, lên mạng lên báo ra đường thấy ở đâu cũng ghi VN hòa bình ổn định. còn bạn nói chưa hòa bình thì bạn đi ngủ đi. bạn đuối lý nên quáng r` đó. lấy mấy cái thông tin vớ vẩn trên GG ra để chứng tỏ là mình biết tìm hiểu kiểu như bạn chỉ làm cho cuộc tranh luận trên này thêm nhạt mà ko ai rút ra đc cái gì hay ho. mình ko có oán trách cha anh câu nào hết bạn đừng có bịa ra nhé cha anh ngày xưa hy sinh xương máu để bây h chứng kiến cảnh đất nc' ngày nay như vầy cũng ko xuôi đc đâu.

      Delete
    5. "lẽ ra thống
      nhất đất nc' đoàn kết
      dân tộc thì phải phát
      triển nhanh và tốt hơn
      chứ bạn? 37 năm, gần
      nửa đời người đâu có
      ít" Chính câu nói này đã hàm ý 1 cảm xúc thất vọng rằng tại sao hoà bình rồi đất nước lại không giàu lên. Và những người thế hệ cha anh ta là những người sống trong thời kì này. Thực ra tài liệu chân thực nhất là các thước phim chúng rất khó làm giả. Đương nhiên phải xem nhiều thì chúng ta mới có thể hiểu rõ thêm mặt thật của lịch sử . Thật sự thì giai đoạn chiến tranh với trung quốc các tài liệu tiếng việt là khá hiếm. Có thể nói đây là giai đoạn lịch sử cố tình bị vùi lấp

      Delete
    6. Đáng phục thì đáng phục thật.Nhưng VN thì không sao? Vì bạn đâu có mặt trong lịch sử, bạn đâu có trong số những người chiến đấu ngày xưa. Nếu bạn sống trong khoảng thởi gian đó, có chắc bạn sẽ làm cách mạng, hay là bạn sẽ sống 1 cuộc sống nô lệ? VN ta bây giờ như Nhật lúc trước nhưng trong một hoàn cảnh tệ hơn hẳn. Và sau này có chắc sẽ được viện trợ không? Bạn định nghĩa phát triển nhanh và tốt ra sao mà lại nói thế, nên nhớ mọi thứ luôn thay đổi nên không thể so sánh ta và Nhật được. Một người không yêu nước không xứng đáng làm con người.

      Delete
  9. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  10. Các bác vĩ đại thật đấy! Bài viết đã dài mà kéo xuống đọc nốt mớ bình luận y trang tham luận chính trị của các bạn thì mình đến ngã ngửa ra mà chết thôi.

    ReplyDelete
  11. Thảo luận có vẻ sôi nổi thật đấy, nhưng ko dám đăng nhập vào cho rõ danh tính, mà chỉ dám để Anonymous thì cũng chỉ là ahbp mà thôi.

    ReplyDelete
  12. ĐOẠN NÀY: "Sau Đệ Nhị Thế Chiến có gần 30 nước dành được độc lập, phần lớn không đổ một giọt máu, chỉ có vài nước như VN, phải trả bằng máu và nước mắt của hàng triệu sinh mạng để cuối cùng trở thành một trong những nước nghèo khổ và lạc hậu nhất thế giới. Chọn lựa này là chọn lựa của dân tộc, của VN chớ không phải do sức ép của ngoại bang hay một lý do gì khác. Lòng yêu nước mù quáng biến dân tộc VN trở thành một lực lượng tiên phong trong cuộc tranh chấp giữa hai khối CS và Tự Do và luôn luôn hãnh diện với thế giới về một dân tộc “bước ra khỏi cửa là thấy anh hùng”. Những bi kịch của đất nước hôm nay là cái giá phải trả cho sự chọn lựa đó." LÀ CÓ Ý GÌ. Tác giả có phải người Việt Nam?

    ReplyDelete

- Tôn trọng tác giả, những người bình luận chung.
- Sử dụng não để nói chuyện với não.
- Kẻ có học không cần đọc mấy dòng trên.

Hàng mới về

[recent][carousel2]

Thạch Dừa

{picture#https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiDM9O6SwXfLd0YwnkEJoxDZsNz1LazrvRx6GdxqHS9C0S9-4_VjItg_nsVH0VB-FCkAUih0e5zi5VMEQ1Petd1VRVLCDnN9zQGByLKG2hc3xOdwUadDKMR3WGVwgyUVzzYJPZKoRJjVA/s144-Ic42/hachiman.png} Ta là Dừa ngoài hành tinh - một loài thực vật bậc cao có khả năng suy nghĩ. {facebook#https://www.facebook.com/sama2312} {google#https://plus.google.com/u/0/112001142952211741857}
Powered by Blogger.